Toàn bộ khu Văn Miếu - Quốc Tử Giám bao gồm: Văn hồ, vườn Giám và khu nội tự. Phía Nam, trước mặt Văn Miếu là hồ Minh Đường hay Văn hồ, dân gian thường gọi là hồ Giám. Giữa hồ có gò Kim Châu, trên gò dựng Phán Thuỷ đường (là nơi diễn ra các buổi bình văn thơ của nho sĩ kinh thành xưa). Văn Miếu có các cửa thông nhau: một cửa chính giữa và hai cửa phụ hai bên với các kiến trúc chủ thể là: cổng Văn Miếu, cổng Đại Trung, Khuê Văn các, cổng Đại Thành, khu điện thờ, cổng Thái Học và kết thúc là khu Thái Học.
Khu thứ nhất: Bắt đầu với cổng chính đến cổng Đại Trung. Trên cổng chính có chữ Văn Miếu Môn. Đây là một kiến trúc cổng tam quan hai tầng, phía ngoài cổng có đôi rồng đá cách điệu thời Lê sơ (thế kỷ 15), bên trong có đôi rồng đá thời Nguyễn. Kiểu dáng kiến trúc Văn Miếu môn nhiều nét độc đáo rất đáng lưu ý trong khi nghiên cứu kiến trúc cổ Việt Nam. Nhìn bên ngoài tam quan là 3 kiến trúc riêng biệt. Mặt bằng hình vuông. Tầng dưới to, tầng trên nhỏ chồng lên giữa tầng dưới. Lối đi ở giữa dẫn đến cổng Ðại Trung Môn mở đầu cho khu thứ hai., hai bên là hai cổng nhỏ Thành Đức và Đạt Tài. Cửa Đại Trung môn làm kiểu 3 gian, xây trên nền gạch cao, có mái lợp ngói mũi hài, có hai hàng cột hiên trước và sau, ở giữa là hàng cột chống nóc. Gian giữa cổng treo một tấm biển nhỏ đề 3 chữ sơn then Đại Trung môn.
Khu thứ hai: Nổi bật với Khuê Văn Các - một công trình kiến trúc độc đáo được xây dựng năm 1805 (triều Nguyễn), gồm 2 tầng, 8 mái bao gồm 4 mái thượng và 4 mái hạ. Tầng dưới là 4 trụ gạch vuông, mỗi cạnh của trụ có chiều dài 1m và trên các mặt trụ đều có chạm trổ các hoa văn rất tinh vi và sắc sảo. Tầng trên là kiến trúc gỗ sơn son thếp vàng trừ mái lợp và những phần trang trí góc mái hoặc trên bờ nóc là bằng chất liệu đất nung hoặc vôi cát có độ bền cao, bốn mặt đều có cửa sổ tròn với những con tiện tỏa ra bốn phía tượng trưng cho hình ảnh sao Khuê tỏa sáng. Gác dựng trên một nền vuông cao cân xứng có lát gạch Bát Tràng mỗi bề có chiều dài là 6,8m. Hai bên (phải và trái) Khuê Văn là hai cổng Bí Văn và Súc Văn. Khuê Văn Các thường là nơi tổ chức bình các bài văn thơ hay của các sĩ tử. Ngày nay, Khuê Văn Các còn được lấy làm biểu tượng của thủ đô Hà Nội.
Khu thứ ba: Từ gác Khuê Văn tới Ðại Thành Môn, ở giữa khu này có một hồ vuông gọi là Thiên Quang Tỉnh (giếng trời trong sáng) có tường bao quanh. Giếng hình vuông, quanh bờ đều xây hàng lan can tới độ ngang lưng. Người xưa còn có quan niệm giếng hình vuông tượng trưng cho đất, cửa tròn gác Khuê Văn tượng trưng cho trời. Tinh hoa của cả trời cả đất đều được tập trung ở trung tâm văn hóa giáo dục uy nghiêm giữa chốn đế đô này. Hai bên hồ là hai khu vườn bia, tức nơi lưu giữ 82 bia tiến sĩ dựng từ năm 1484 - 1780, ghi tên, quê quán của các vị tiến sĩ của 82 khoa thi. Ðây chính là những di vật quý nhất của khu di tích. Vào ngày 9/3/2010, UNESCO đã chính thức công nhận 82 tấm bia tại Văn Miếu - Quốc Tử Giám, là Di sản tư liệu thế giới.
Khu thứ tư: Bước qua cửa Đại Thành là tới một sân rộng mênh mang lát gạch Bát Tràng. Hai bên phải trái của sân là 2 dãy Hữu Vu và Tả Vu vốn dựng làm nơi thờ các danh nho. Chính trước mặt là tòa Đại Bái Đường rộng rãi, to lớn và thâm nghiêm trải suốt chiều rộng của sân nối giáp với đầu hồi của Tả Vu, Hữu Vu hai bên, tạo thành cụm kiến trúc hình chữ U cổ kính và thuyền thống. Tại đây có một số hiện vật quý: bên trái treo "Bích Ung đại chuông" (chuông lớn của nhà Giám), bên phải có một chiếc khánh đá. Chuông Bích Ung do Nguyễn Nghiễm đứng ra đúc nǎm 1768. Tấm khánh mặt trong có hai chữ Thọ Xương, mặt ngoài khắc bài minh viết kiểu chữ lệ nói về công dụng loại nhạc khí này.
Khu thứ năm: Sau khu Ðại Bái vốn là trường Quốc Tử Giám đời Lê (nay là khu Thái Học), một loại trường đại học đương thời. Khi nhà Nguyễn dời trường này vào Huế thì nơi đây chuyển làm đền Khải Thánh thờ cha và mẹ Khổng Tử. Toàn bộ mái đều được lợp hai lớp ngói lót, trên là một lớp chì dày 1,5mm rồi đến một lớp ngói lót nữa, và trên cùng là ngói mũi hài. Phần giữa các cột nhà với chân đá tảng cũng đặt một tấm chì dày 1,5mm để chống ẩm từ dưới lên. Nền sân đều được lát gạch Bát Tràng kích thước 30cm x 30cm x 4cm. Xung quanh nhà đều được bó vỉa bằng đá xanh.
Văn Miếu là quần thể di tích đa dạng và phong phú hàng đầu của thành phố Hà Nội.
Từ khóa tìm kiếm trên google:
- Văn Miếu Quốc Tử Giám
- Cổng Đại Trung Văn Miếu
- Khuê Văn Các Văn Miếu
- Khu Thái Học Văn Miếu
- Cửa Đại Thành Văn Miếu
- Du lịch Hà Nội
- Văn Miếu
- Văn Miếu Hà Nội
- Bia Văn Miếu
- Văn Miếu Môn
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét